Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi : BS. Phạm Văn Nguyên – Khoa Kết Giác Mạc bệnh viện Mắt Hà Nội
I. ĐỊNH NGHĨA
Viêm loét giác mạc do vi khuẩn (bacterial keratitis) là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do
hoại tử gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc do vi khuẩn, là một nguyên nhân thường gặp
gây mù lòa.
II. NGUYÊN NHÂN
Các loại vi khuẩn thường gặp gây viêm loét giác mạc:
1. Vi khuẩn Gr (+): Staphylococcus aureus, Steptococcus pneumonia, Staphylococcus
epidermidis, Mycobacterium, Nocardia…
2. Vi khuẩn Gr (-): Pseudomonas aeruginosa, Moraxella, Hemophilus influenza,…
III. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
– Triệu chứng cơ năng:
+ Đau nhức mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt.
+ Nhìn mờ hơn, có thể chỉ cảm nhận được ánh sáng
– Triệu chứng thực thể:
+ Kết mạc cương tụ rìa
+ Trên giác mạc có một ổ loét ranh giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn.
Khi nhuộm giác mạc bằng fluorescein 2% ổ loét sẽ bắt màu xanh, nếu ổ loét hoại tử nhiều
sẽ có màu vàng xanh.
+ Giác mạc xung quanh ổ loét bị thẩm lậu
+ Mống mắt cũng có thể bị phù nề, mất sắc bóng. Đồng tử thường co nhỏ, có thể dính vào
mặt trước thể thủy tinh, tuy nhiên khó quan sát.
2. Cận lâm sàng
– Bệnh phẩm: là chất nạo ổ loét
– Soi tươi: thấy có vi khuẩn
– Soi trực tiếp: xác định vi khuẩn Gr (+) hay Gr (-)
– Nuôi cấy vi khuẩn: xác định được các loại vi khuẩn gây bệnh: tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn
mủ xanh,… Nếu có điều kiện có thể kết hợp làm kháng sinh đồ để xác định kháng sinh điều trị phù
hợp.
3. Chẩn đoán xác định
– Ổ loét giác mạc có đặc điểm: bờ nham nhở, ranh giới không rõ, đáy thường phủ lớp hoại tử
bẩn, giác mạc xung quanh thẩm lậu nhiều.
– Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn.
4. Chẩn đoán phân biệt
– Loét giác mạc do nấm: một ổ loét ranh giới rõ, bờ gọn, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại
tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét
sẽ tìm thấy nấm.
– Loét giác mạc do virus herpes: ổ loét có hình cành cây hoặc địa đồ, nhu mô xung quanh
thẩm lậu ít. Xét nghiệm tế bào học chất nạo bờ ổ loét sẽ thấy một trong các hình ảnh: tế bào nhiều
nhân, tế bào thoái hóa nhân trương hoặc tìm thấy tiểu thể Lipschutz. Xét nghiệm PCR chất nạo bờ
ổ loét hoặc thủy dịch sẽ tìm được gen của virus herpes.
– Loét giác mạc do amip (acanthamoeba): giác mạc có ổ loét tròn hoặc bầu dục, xung quanh
có vòng thẩm lậu đặc (áp xe vòng). Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy acanthamoeba.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc
– Cần phải tìm được vi khuẩn gây bệnh và điều trị bằng kháng sinh nhạy cảm với loại vi
khuẩn đó (dựa vào kháng sinh đồ), nếu không xác định được loại vi khuẩn gây bệnh cần phải dùng
kháng sinh phổ rộng.
– Điều trị bằng thuốc tra mắt là chính, có thể kết hợp với dùng đường toàn thân.
– Phối hợp điều trị triệu chứng và biến chứng.
– Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
2. Điều trị cụ thể
Kháng sinh chống vi khuẩn (theo kháng sinh đồ). Nếu không có kết quả kháng sinh đồ thì
điều trị như sau:
– Thuốc tra mắt:
+ Nếu do vi khuẩn gram (-): tobramycin 0,3% hoặc levofloxacin 0,5%
+ Nếu do vi khuaanrn gram (+): ofloxacin 0,3% hoặc moxifloxacin 0,5% hoặc gatifloxacin
0,5%. Hai thuốc sau có phổ kháng rộng nên có thể dùng điều trị cả vi khuẩn gram (-). Cách
dùng: ngày đầu có thể tra mắt liên tục cách nhau 30 phút, những ngày sau tra mắt 10
lần/ngày.
– Thuốc uống: có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau
+ Cefuroxim axetil 250mg ngày uống 2-3 viên chia 2 lần, trong 5-7 ngày
+ Ofloxacin 0,2g ngày uống 2 viên chia 2 lần, trong 5-7 ngày
+ Truyền rửa mắt liên tục trong những trường hợp nặng bằng kháng sinh (gentamycin 4mg x
2 ống) và nước muối sinh lí (NaCl 0,9%) x 200ml
– Điều trị phối hợp:
+ Chống viên non-steroid: tra mắt: dung dịch indomethacine 0,1% tra mắt 4 lần/ngày
+ Giãn đồng tử, liệt cơ mi: dùng atropin 1-4% tra mắt 2 lần mỗi ngày. Nếu đồng tử không
dãn, phải tiêm tách dính mống mắt (tiêm dưới kết mạc bốn điểm cạnh rìa) hỗn hợp: atropin
1% và adrenalin 0,1%
– Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và toàn thân
– Hạ nhãn áp: khi loét giác mạc gây tăng nhãn áp, loét dọa thủng hoặc thủng. Uống
acetazolamide 250mg 2 viên mỗi ngày chia 2 lần. Cần phối hợp với uống kali chloride 0,6g uống
2 viên mỗi ngày chia 2 lần tránh mất kali.
– Tiêm huyết thanh tự thân dưới kết mạc: có tác dụng tăng cường dinh dưỡng cho giác mạc
và hạn chế hoại tử giác mạc. Dùng trong những trường hợp loét hoại tử nhiều (đặc biệt do trực
khuẩn mủ xanh)
– Chống chỉ định tuyệt đối dùng corticoid trong giai đoạn ổ loét đang tiến triển.
V. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
1. Tiến triển
Loét giác mạc do vi khuẩn là một bệnh nặng, nhất là những bệnh nhân được điều trị muộn
và đã dùng corticoid trước đó. Khi bệnh khỏi sẽ để lại sẹo trên giác, ảnh hưởng đến thị lực của
người bệnh
2. Biến chứng
– Loét giác mạc dọa thủng (phồng màn Descemet)
– Tăng nhãn áp
– Trường hợp nặng có thể gây loét thủng giác mạc, viêm mủ nội nhãn.
VI. PHÒNG BỆNH
- Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, tránh những sang chấn vào mắt
- Khi bị bụi hoặc nước bẩn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch,tránh day dụi mắt, nếu không được cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để lấy bụi, gắp dị vật và dùng thuốc điều trị các tổn thương giác mạc.
- Các bệnh lý tại mắt cần phát hiện và điều trị kịp thời.
- Khi bị chấn thương trên giác mạc cần phải phát hiện và điều trị kịp thời bằng các kháng sinh tra mắt để phòng biến chứng viêm loét giác mạc do vi khuẩn
- Cần phải điều trị các bệnh mắt là yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc: lông quặm, lông
xiêu, hở mi. - Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh viêm loét giác mạc vì đây là một bệnh nặng gây mù, ngay cả khi điều trị khỏi cũng thường để lại di chứng nặng nề.
- Thuốc kháng sinh nhỏ mắt cần được thầy thuốc kê đơn, người bệnh không tự mua.
- Các thuốc mắt có chứa corticoid phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng vẫn cần phải theo dõi.
- Trẻ em cần đảm bảo ăn uống đủ chất, uống thêm vitamin A như khuyến cáo của ngành y tế để tránh bệnh khô mắt, loét giác mạc do thiếu vitamin A.
- Đeo kính bảo vệ mắt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phác đồ điều trị Bệnh viện Chợ Rẫy, phần Ngoại khoa năm 2018