Giác mạc là một màng mỏng trong suốt, không có mạch máu, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Cùng với củng mạc, giác mạc tạo nên lớp áo ngoài của nhãn cầu, có nhiệm vụ bảo vệ nhãn cầu và chức năng quang học. Khi bị các tổn thương như chấn thương, viêm loét, nhiễm trùng, giác mạc rất dễ bị thủng.
Viêm loét giác mạc là một bệnh thường gặp trên lâm sàng, bệnh có thể để lại những di chứng như loạn thị, sẹo giác mạc, thủng giác mạc…, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.
1. Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc
– Viêm loét giác mạc có thể do nhiễm vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng như Acanthamoeba (sống trong nước bị ô nhiễm).
– Loét có thể bắt đầu với chấn thương giác mạc, chẳng hạn như khô mắt nghiêm trọng, vật lạ làm trầy xước, xâm nhập/ đọng lại trong mắt hoặc nếu mắt bị kích ứng bởi kính áp tròng, đặc biệt là đeo kính áp tròng trong lúc ngủ hoặc không được khử trùng đầy đủ.
– Loét giác mạc do virus (thường do herpesvirus) có thể tái phát do căng thẳng về thể chất hoặc có thể tái phát tự phát.
– Sự thiếu hụt vitamin A và protein có thể dẫn đến hình thành vết loét giác mạc.
– Khi mí mắt không khép lại đúng cách, giác mạc có thể bị khô và kích ứng. Loại kích ứng này có thể dẫn đến thương tích và phát triển thành vết loét giác mạc.
– Loét giác mạc cũng có thể là do lông mi mọc vào trong, mi mắt lật vào trong (quặm, lông xiêu) hoặc viêm bờ mi.
– Một số bệnh lý như mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát không tốt… cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc.
2. Triệu chứng bệnh viêm loét giác mạc
Bệnh nhân viêm loét giác mạc có những triệu chứng sau:
– Cảm thấy khó chịu, mỏi mắt, có cảm giác dị vật trong mắt.
– Sưng mi mắt, khó mở mắt.
– Mắt nóng rát, đau nhức âm ỉ trong mắt.
– Chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
– Chảy nước mắt
– Mờ mắt.
– Đỏ mắt.
– Đục giác mạc, xuất hiện đốm trắng trên giác mạc, thường ở vùng trung tâm giác mạc.
– Chảy mủ từ mắt.
Khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh có diễn biến nặng lên.
3. Chăm sóc mắt trong thời gian mắc bệnh
– Bệnh nhân loét giác mạc không nên băng kín mắt vì sẽ tạo điều kiện nóng ẩm, giúp vi khuẩn phát triển mạnh hơn.
– Nên đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt giảm kích thích.
– Không đeo kính áp tròng hay trang điểm trong quá trình điều trị bệnh.
– Không để vật thể khác tác động vào mắt, đặc biệt không đưa tay lên dụi, chấm, chùi mắt.
– Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống hoặc nhỏ thêm thuốc khác mà không có sự kê đơn của bác sĩ.
4. Phòng ngừa viêm loét giác mạc
– Khi bị viêm loét giác mạc, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm trùng mắt hoặc ngay sau khi mắt bị chấn thương. Bệnh nặng sẽ để lại di chứng về sau dù có được điều trị tốt. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh đúng cách:
– Sử dụng phương tiện bảo hộ lao động để bảo vệ mắt khi làm việc như đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, khi tiện, hàn…
– Mang kính mát khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi cát, bụi và hạn chế sự tiếp xúc của mắt với tia cực tím.
– Điều trị tốt và dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm loét giác mạc.
– Không dùng tay dụi mắt, không tự lấy dị vật khi có vật lạ xâm nhập vào mắt, nên đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín để kiểm tra và lấy dị vật dưới kính hiển vi bởi các bác sĩ chuyên khoa.
– Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và chớp mắt thường xuyên để tránh khô mắt.
– Đeo kính áp tròng đúng cách và vệ sinh kính sạch sẽ trước và sau khi đeo. Khi mắt có tình trạng cộm, vướng, đau nhức hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào tại mắt bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
Thuỳ Dung CTXH