Hầu hết chúng ta đều sở hữu Thẻ Bảo hiểm Y tế, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về giá trị và quyền lợi mà tấm thẻ này mang lại cho mình. Khi nào thì đi khám được Bảo hiểm Y tế chi trả? Chi trả bao nhiêu %? Thế nào là đúng tuyến, trái tuyến? Thông tuyến có nghĩa là gì?…
Từ ngày 01/01/2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến. (Theo quy định của khoản 6 Điều 22 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 25/2008/QH12.
Khi chính sách thông tuyến BHYT cấp tỉnh được thực hiện, ranh giới giữa các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở xuống được xóa bỏ, người dân có cơ hội lựa chọn cơ sở y tế có chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của mình.
Ví dụ như:
Đối với trường hợp trong tỉnh, người dân có BHYT đăng ký Khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại Phường/xã hoặc Trung tâm Y tế các huyện, Phòng khám đa khoa hay bất kỳ cơ sở y tế nào (như thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ) có thể trực tiếp nhập viện tại Bệnh viện Mắt Hà Nội điều trị nội trú mà không cần xin giấy chuyển viện của TTYT (theo như quy định trước đó).
Đối với trường hợp khác tỉnh, người dân có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở phường/xã, TTYT cấp huyện của tỉnh bất kỳ (như Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm – Hưng Yên) có thể nhập viện tại Bệnh viện Mắt Hà Nội mà không cần xin giấy chuyển viện như trước.