SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

TẠI SAO PHẢI TẦM SOÁT BỆNH MẮT CHO TRẺ?

Thị lực tốt là chìa khóa giúp trẻ phát triển thể chất, yên tâm học tập tốt và có sức khỏe toàn diện.

Hệ thống thị giác của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được phát triển hoàn chỉnh và tiếp tục phát triển cho đến tuổi trưởng thành. Sự phát triển này cùng với thông tin bằng nhau từ hai mắt truyền lên não giúp cho trung tâm thị giác ở não phát triển bình thường. Nếu một khi mắt của trẻ không thể gửi hình ảnh rõ ràng lên não thì thị giác của trẻ có thể bị hạn chế theo cách không thể điều chỉnh về sau. Nhưng nếu vấn đề được phát hiện sớm thì có thể dễ dàng điều trị khỏi.

Thông thường gia đình chỉ đưa trẻ đi khám mắt khi có dấu hiệu rõ rệt nào đó: trẻ sưng đau mắt, đỏ mắt… kèm theo quấy khóc. Chính vì thế tầm soát mắt cho trẻ là vấn đề cần được quan tâm hơn, giúp phát hiện sớm và kịp thời các bệnh về mắt ở trẻ để trẻ có đôi mắt khỏe mạnh.

Nên tầm soát khi nào và tầm soát như thế nào?

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt tại bệnh viện Mắt Hà Nội, thị giác của trẻ nên được kiểm tra một lần vào lúc sơ sinh và lần thứ hai vào lúc tuổi nhũ nhi, tuổi mẫu giáo hoặc tuổi đi học. Cụ thể như sau:

  • Sơ sinh: bác sĩ kiểm tra ánh đồng tử của trẻ (bình thường ánh đồng tử hồng điều). Nếu trẻ có yếu tố nguy cơ cao như: sinh thiếu tháng, hoặc có tiền sử gia đình bệnh mắt từ nhỏ, hoặc những dấu hiệu bất thường khác thì cần được kiểm tra mắt một cách toàn diện hơn (bằng cách nhỏ giãn đồng tử, soi đáy mắt).
  • Nhũ nhi: trẻ nên được kiểm tra mắt lần hai trong khoảng 6-12 tháng.
  • Mẫu giáo: tuổi này trẻ bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề như: thị lực, lác, tật khúc xạ, nhược thị. Thị lực cần được đo ngay khi trẻ có thể hợp tác nhìn vào bảng ký tự, hoặc cho trẻ nhìn vào bảng hình màu, hoặc theo dõi sự tập trung của trẻ khi nhìn gần, nhìn trung gian và nhìn xa. Nhiều trẻ bị viễn thị cũng có thể nhìn rõ ở mọi khoảng cách. Đa số trẻ không cần phải mang kính hoặc sử dụng phương pháp điều chỉnh nào khác. Một khi phát hiện trẻ có vấn đề về tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), lác, nhược thị cần được điều trị ngay càng sớm càng tốt để giúp trẻ có sự phát triển thị lực bình thường về sau.
  • Tuổi đi học: khi vào trường hoặc bất cứ khi nào có vấn đề nghi ngờ mắt của trẻ nên được đo thị lực và kiểm tra lác. Cận thị là tật khúc xạ thường gặp ở tuổi này và được điều chỉnh bằng cách mang kính gọng. Đặc biệt hơn có thể điều trị bằng phương pháp chỉnh hình giác mạc (Ortho K) không phẫu thuật. Phương pháp này giúp trẻ sớm ổn định độ cận (không tăng độ), không phải mang kính gọng ban ngày.

Bài viết liên quan