SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT, GIẢM CHỨC NĂNG NHÌN

Theo điều tra của Bệnh viện Mắt Trung Ương năm 2002, tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam, tỷ lệ mù của những người trên 50 tuổi là 4,7%, tỷ lệ mù chung cho toàn bộ dân số là 0,67%. Chưa có điều tra chính thức về tỷ lệ tật khúc xạ trong toàn quốc, tuy nhiên ở một số nơi đã điều tra thì tỷ lệ tật khúc xạ của trẻ tuổi học đường ở nông thôn khoảng 8%-10%, thành thị là 12% (riêng TP HCM là 26% và Hà Nội là 20%).

I. KHUYẾT TẬT/ GIẢM CHỨC NĂNG NHÌN LÀ GÌ?

Khuyết tật/giảm chức năng nhìn là tình trạng một người do ảnh hưởng, hậu quả của các bệnh hoặc biến chứng về mắt bẩm sinh hay mắc phải, mà không nhìn rõ và nhận dạng được sự vật một cách bình thường như những người xung quanh.
Khuyết tật/giảm chức năng nhìn có thể ở các mức độ khác nhau:

  • Có một số người chỉ nhìn được một chút.
  • Có một số nhận biết ban ngày hay ban đêm nhưng không nhìn thấy gì.
  • Có một số chỉ nhìn thấy vật to, không nhìn thấy vật nhỏ.
  • Có một số người chỉ nhìn thấy các vật ở gần, không nhìn thấy các vật ở xa. Ngược lại, một số chỉ nhìn thấy xa không nhìn thấy gần. Những người này chỉ cần đeo kính.

II. NGUYÊN NHÂN GÂY RA KHUYẾT TẬT/ GIẢM CHỨC NĂNG NHÌN

Ở trẻ em:

  • Mẹ nhiễm siêu vi trùng (Rubella), thiếu dinh dưỡng khi mang thai
  • Ngạt khi sinh, chấn thương khi sinh
  • Trẻ thiếu dinh dưỡng, nhất là Vitamin A
  • Bệnh lý tại mắt: lác mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh võng mạc..
  • Bệnh lậu, Chlamydia: trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ mẹ khi mới sinh
  • Tổn thương não do nhiễm vi trùng, siêu vi trùng
  • Một số tai nạn gây tổn thương trực tiếp ở mắt: vật nhọn, acid..

Ở người lớn:

  • Tai nạn lao động, sinh hoạt gây tổn thương ảnh hưởng đến mắt
  • Quá trình lão hoá
  • Bệnh lý về mắt: đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc..

III. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Những dấu hiệu để phát hiện trẻ có khuyết tật/giảm chức năng nhìn:

  • Mắt, mi mắt đỏ, có mủ hoặc thường xuyên chảy nước mắt.
  • Mắt trông mờ, đục hoặc nhăn nheo hoặc có tổn thương đau.
  • Một hoặc cả hai bên đồng tử có màu xám hoặc trắng.
  • Trẻ 3 tháng tuổi vẫn không nhìn theo đồ chơi, sự vật khi đưa qua mặt trẻ.
  • Trẻ 3 tháng tuổi vẫn không đưa tay với đồ chơi ở trước mặt trẻ, trừ khi đồ chơi này phát ra tiếng động hoặc chạm vào trẻ.
  • Mắt “lệch”, 2 mắt không di động cùng hướng với nhau.
  • Mắt lác.
  • Trẻ chậm sử dụng tay, vận động và đi lại so với trẻ khác. Trẻ thường va đụng vào đồ vật hoặc rất vụng về.
  • Trẻ không thích thú với tranh ảnh, sách, đồ chơi có màu sắc khi để những thứ này sát mặt.
  • Nhìn khó khăn khi trời tối (quáng gà).
  • Ở trường trẻ không đọc được chữ ở trên bảng hoặc những chữ nhỏ trong sách. Trẻ bị mệt mỏi, đau đầu khi đọc sách.
  • Trẻ có thể bị mù hoặc khuyết tật/giảm chức năng nhìn phối hợp với các dạng khuyết tật khác như bại não, chậm phát triển trí tuệ…

Đối với người lớn:  có khuyết tật/giảm chức năng nhìn có thể phát hiện nếu người đó không nhìn thấy một vật từ xa hoặc gần, không nhìn thấy những người xung quanh, không thể làm việc hoặc tham gia các công việc của gia đình và xã hội.

IV. ĐIỀU TRỊ VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG MẮT

Khám chuyên khoa mắt: Khi có 1 lý do nào đó gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn thì nên đưa người đó đi khám chuyên khoa mắt để xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, đề phòng mù mắt.

Khám chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện các nguyên nhân làm giảm khả năng nhìn như mắt hột, viêm mống mắt, viêm kết mạc, có thể điều trị nội khoa. Các nguyên nhân khác như đục thuỷ tinh thể, glaucoma, lác mắt, sụp mí, chấn thương có thể điều trị bằng phẫu thuật. Đối với những người có tật khúc xạ cũng được khám và đo kính mắt.

Hiện nay ngành y tế có nhiều chương trình phòng và điều trị phẫu thuật mắt.

Phục hồi chức năng khi bị khuyết tật/giảm chức năng nhìn rất nặng hoặc bị mù hoàn toàn:

  • Phát triển các kỹ năng nhận biết nhờ cảm giác ngửi hoặc sờ mó.
  • Giúp người có khuyết tật/giảm chức năng nhìn di chuyển xung quanh
  • Dạy trẻ hoặc người lớn có khuyết tật/giảm chức năng nhìn, sử dụng gậy
  • Hướng dẫn người có khuyết tật/giảm chức năng nhìn các chức năng sinh hoạt hàng ngày như: ăn, uống, tự chăm sóc bản thân, các công việc nội trợ.
  • Các dụng cụ trợ giúp cho trẻ có khuyết tật/giảm chức năng nhìn: Đối với các trẻ bị mù toàn thể, có thể đeo kính bảo vệ hoặc thẩm mỹ. Đối với trẻ bị tật khúc xạ hoặc giảm thị lực, có thể khám đeo kính.

V. MỘT SỐ THẮC MẮC THƯỜNG GẶP

Bố mẹ trẻ khuyết tật về nhìn và gia đình người khiếm thị thường hỏi các câu hỏi sau:

Trẻ mù nếu phục hồi chức năng có thể nhìn thấy bình thường không?
Trẻ không thể nhìn thấy bình thường được trừ 1 số trường hợp sau phẫu thuật có thể nhìn tốt hơn. Tuy nhiên, việc tập luyện và hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt có thể làm cho người giảm khả năng nhìn có thể sống một cuộc sống bình thường như những người khác.

Trẻ có khuyết tật/giảm chức năng nhìn có thể học hành, người lớn có thể làm việc được không?
Trẻ có thể học ở trường đặc biệt dành cho trẻ mù hoặc học hòa nhập ở trường bình thường. Người lớn có thể kiếm được việc làm phù hợp để có thu nhập.

Những nơi người có khuyết tật/giảm chức năng nhìn có thể tiếp cận?

  • Các trung tâm phục hồi chức năng, các trung tâm dành cho người mù.
  • Các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề.
  • Các trường đặc biệt cho trẻ mù học hành.
  • Bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và điều trị, phẫu thuật mắt.
  • Các chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
  • Các tổ chức của người khuyết tật, Hội người mù.
  • Các chương trình của nhà nước, kể cả các chương trình trợ giúp khác.

Nguồn:
Tài liệu số 11:phục hồi chức năng cho người khuyết tật/giảm chức năng nhìn -Sản phẩm chương trình hợp tác“Tăng cường năng lực Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” giữa Bộ Y tế Việt Nam và Uỷ ban Y tế Hà Lan Việt Nam.
Giáo trình Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng, NXB Y học, 2000.
Trần Thị Thu Hà – Trần Trọng Hải, 2005, “Phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng tàn tật ở trẻ em Việt Nam”, NXB Y học.
Ma. Lucia Mirasol Magallona, 2005, Manual for CBR workers and Caregivers, C&E Publishing Inc.

Bài viết liên quan