SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

NHỮNG BỆNH LÝ VÕNG MẠC THƯỜNG GẶP

Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc (hay còn gọi là đáy mắt). Bệnh võng mạc đứng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các loại bệnh gây mù lòa. Trong đó thường gặp nhất là bệnh bong võng mạc và bệnh võng mạc tiểu đường.

I. BONG VÕNG MẠC

Bong võng mạc là một chứng bệnh về mắt mà trong đó võng mạc bị bong ra khỏi lớp mô ở đáy mắt. Ban đầu nguyên nhân có thể là do võng mạc bị một vết rách nhỏ, khiến cho dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc, dần dần làm lớp võng mạc bị bong ra và nếu không điều trị nhanh chóng toàn bộ võng mạc có thể bị tách rời, dẫn tới mất thị lực và mù. Đây là một chứng bệnh nguy hiểm cần xử trí cấp cứu. Những tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra nếu như bệnh nhân không được điều trị trong vòng 24-72 giờ. Những triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:  hoa mắt, đột ngột xuất hiện “ruồi bay” trước mắt, cảm giác hơi nặng trong mắt, đột ngột xuất hiện các bóng đen trong một phần của thị trường.

Những nguyên nhân dẫn đến bệnh bong võng mạc bao gồm cận thị nặng, rách võng mạc, chấn thương, lịch sử gia đình, và biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Nếu như được phát hiện sớm, việc điều trị bệnh bong võng mạc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ như các vết rách trong võng mạc có thể được điều trị bằng phương pháp laser nội nhãn, phòng ngừa bong võng mạc. Vì lí do đó, chúng ta nên kiểm tra mắt thường xuyên, đặc biệt là các vận động viên thể thao. Khi phát hiện những bất thường trong mắt, cần ngay lập tức đến kiểm tra tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

 

II. BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh võng mạc tiểu đường mắc phải do những biến chứng của bệnh tiểu đường, cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa. Đây là một biến chứng về mắt mang tính hệ thống của bệnh tiểu đường, những bệnh nhân mắc tiểu đường trên 10 năm có tới 80% nguy cơ mắc phải bệnh này. Mặc dù tỉ lệ mắc phải rất cao, tuy nhiên ít nhất 90% những ca mới mắc phải sẽ thuyên giảm nếu như được điều trị một cách thích hợp và thận trọng, kết hợp với việc kiểm tra mắt thường xuyên. Nếu bị bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường càng cao. Theo thống kê thì nó chiếm 12% nguyên nhân dẫn đến mù lòa tại Mỹ và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở độ tuổi từ 20 đến 64.

Bệnh võng mạc tiểu đường thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Trong giai đoạn đầu của bệnh hay còn được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường chưa tăng sinh (NPDR), không phát hiện thấy có triệu chứng nào. Cách duy nhất để phát hiện ra NPDR là chụp ảnh đáy mắt, khi đó thì chúng ta sẽ thấy triệu chứng phình mao mạch. Nếu thị lực người bệnh bị giảm, các bác sĩ sẽ chụp đáy mắt bằng phương pháp huỳnh quang võng mạc. Các mạch máu bị hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ được nhìn thấy một cách rõ ràng và triệu chứng đó được gọi là thiếu máu võng mạc cục bộ. Chứng phù hoàng điểm có thể xuất hiện trong giai đoạn này. Triệu chứng của nó là mờ mắt, tầm nhìn bị thu hẹp hay hình ảnh nhìn thấy bị biến đổi với sự khác nhau ở hai mắt. 10% bệnh nhân tiểu đường bị mất thị lực liên quan đến chứng phù hoàng điểm.

Ở giai đoạn thứ hai, những mạch máu bất thường xuất hiện ở đáy mắt, và nó là một phần của giai đoạn tăng sinh võng mạc tiểu đường (PDR), nó có thể gây rách, chảy máu (xuất huyết dịch kính) và làm giảm thị lực, do các mạch máu mới rất yếu. Lần đầu xuất hiện, nó sẽ không quá trầm trọng. Hầu như trong các trường hợp nó sẽ để lại những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn của người bệnh, dù những đốm đó thường biến mất sau vài giờ. Sau vài ngày hoặc vài tuần, bệnh nhân sẽ bi xuất huyết nhiều hơn, khiến thị lực giảm. Sự xuất huyết này có thể tồn tại trong vài ngày, vài tháng, cả năm hoặc thậm chí không mất đi. Nó có xu hướng xuất hiện nhiều hơn một lần, thường là trong lúc người bệnh chìm vào giấc ngủ. Thường thì các bác sĩ sẽ phải dùng phương pháp soi đáy mắt để có thể kiểm tra các triệu chứng nói trên.

Hiện nay có ba phương pháp chính để điều trị hiệu quả bệnh võng mạc tiểu đường. Nếu như được phát hiện và điều trị sớm thì người bệnh sẽ vẫn có khả năng rất cao không bị mất thị lực, do các bác sĩ sẽ có thể tập trung điều trị trước khi võng mạc bị tổn thương nặng nề hơn. Ba phương pháp nói trên là điều trị bằng laser, tiêm Anti-VEGF nội nhãn, và phẫu thuật cắt dịch kính.

Với đội ngũ chuyên gia bác sĩ đầu ngành về dịch kính võng mạc với chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại trong thăm khám và điều trị , bệnh viện Mắt Hà Nội tự hào là đơn vị có khả năng điều trị các bệnh võng mạc hàng đầu Việt Nam.

Bài viết liên quan