Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là tình trạng lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, điều trị muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.
I. LÁC LÀ GÌ?
Lác là một tình trạng mắt phổ biến ở trẻ em. Đó là tình trạng hai mắt không nhìn thấy được mà nhìn theo hai hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt kia quay vào trong, ra ngoài, lên hoặc xuống. Sự lệch lạc có thể chuyển từ mắt này sang mắt khác.
Lác là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em. Có khoảng 4% trẻ em Hoa Kỳ bị lác, cũng có thể gặp ở người lớn.
Có nhiều nguyên nhân gây lác, có thể do di truyền( với khoảng 30% trẻ em bị lác có thành viên trong gia đình mắc chứng bệnh tương tự), do sự cấu tạo bất thường bẩm sinh của hệ vận động nhãn cầu, do sự co quắp điều tiết, do tổn thương thần kinh hoặc các bệnh ở não…
Bệnh lác mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác. Lác mắt làm rối loạn cơ vận nhãn, nhược thị, giảm thị lực, giảm khả năng nhìn hình nổi và khả năng phân biệt chính xác khoảng cách…Từ đó gây ảnh hưởng nhiều đến học tập và cuộc sống.
II. LÁC ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ LỰC NHƯ THẾ NÀO?
Thị lực tốt hình thành trong thời thơ ấu khi cả hai mắt có sự phối hợp tốt khi nhìn. Lác mắt có thể gây nhược thị ở mắt nhìn lệch.
Não bộ sẽ tập trung vào hình ảnh thu được từ mắt nhìn thẳng và loại trừ hình ảnh từ mắt nhìn lệch. Nếu tình trạng này không thay đổi trong những năm đầu đời thì mắt bị nhìn lệch có thể không có thị lực tốt, hoặc thậm chí có thể mất thị lực. Nhược thị do lác mắt xuất hiện ở khoảng một nửa số trẻ bị lác.
Nhược thị có thể được điều chỉnh bằng cách che hoặc làm mờ mắt bình thường để tăng cường hoặc cải thiện thị lực ở mắt nhìn kém. Nếu lác mắt phát hiện được trong một vài năm đầu đời, việc điều trị thường thành công. Nếu trì hoãn điều trị, giảm thị lực có thể trở thành vĩnh viễn. Về nguyên tắc, điều trị lác càng sớm thì thị lực càng được cải thiện.
III. NGUYÊN NHÂN
Có 6 cơ của mắt giúp điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu, được gắn vào bên ngoài của mỗi mắt.Mỗi mắt có một cơ giúp nhãn cầu di chuyển về bên phải, và một cơ di chuyển nhãn cầu về bên trái. Bốn cơ còn lại di chuyển mắt lên hoặc xuống và xoay nhãn cầu.
Để chuẩn bị và tập trung cả hai mắt vào một điểm, tất cả các cơ ở mỗi mắt phải được cân bằng và hoạt động đồng thời. Để hai mắt di chuyển đồng thời, các cơ ở cả 2 mắt phải hoạt động phối hợp với nhau. Não sẽ kiểm soát hoạt động của các cơ này.
Ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm. Sau đó não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất, là ảnh ba chiều. Hình ảnh ba chiều này sẽ cho ta thị giác tinh tế.
Khi một mắt bị nhìn lệch, hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng hoặc mắt nhìn rõ hơn. Sau đó trẻ sẽ mất đi thị giác tinh tế.
Người lớn bị lác thường nhìn đôi( song thị) do não bộ của họ đã biết cách nhận hình ảnh từ cả hai mắt và không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch. Trẻ em bị lác thường không bị nhìn đôi.
IV. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA LÁC MẮT
Dấu hiệu chính của lác là một mắt không nhìn thẳng. Đôi khi trẻ em sẽ liếc mắt một bên khi nhìn dưới ánh sáng mặt trời hoặc nghiêng đầu để sử dụng hai mắt đồng thời.
Lác giả
Mắt của trẻ sơ sinh thường có vẻ như nhìn chéo nhau, mặc dù thực ra không phải như vậy. Tình trạng này được gọi là “lác giả”. Trẻ nhỏ thường có mũi phẳng, rộng và có một nếp da ở trong mí mắt có thể làm cho hai mắt có vẻ như nhìn chéo nhau. Biểu hiện của tình trạng giả lác có thể cải thiện khi đứa trẻ lớn lên. Trẻ sẽ không tiến triển thành lác thật sự. Bác sĩ chuyên khoa mắt khi thăm khám có thể phân biệt giữa lác thật sự và lác giả.
VI. ĐIỀU TRỊ
Bệnh lác mắt ở trẻ em, nếu bệnh nhân được điều trị càng sớm, tuổi đời càng nhỏ thì cơ hội khỏi bệnh sẽ cao hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trẻ được trị lác mắt trước 3-4 tuổi thì tỷ lệ thành công là 92%, từ 6-8 tuổi tỷ lệ thành công đạt 62%, nếu để lâu, mắt trẻ sẽ thành tật nên khả năng phục hồi sẽ kém.
Có nhiều phương pháp điều trị lác tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng mắt. Đối với trẻ em, quá trình điều trị lác mắt thường gồm 3 giai đoạn là: điều chỉnh bằng kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật để phục hồi sự cân bằng 2 mắt.
Phẫu thuật lác mắt trẻ em hoặc người lớn được thực hiện khi mắt lác không thể điều trị bằng những cách thông thường. Phẫu thuật mắt lác điều chỉnh các cơ bám trên mắt, giúp mắt thăng bằng, hết lác và không gây nguy hiểm. Phẫu thuật lác nên thực hiện càng sớm cho kết quả càng tốt, bệnh lác để lâu tình trạng tổn thương mắt kéo dài, ngày càng nặng, khó điều trị.
Trong phẫu thuật lác mắt, một hoặc nhiều cơ vận động nhãn cầu sẽ được làm tăng cường, yếu đi hoặc chuyển đến vị trí khác để cải thiện hướng nhìn.
Nguồn: http://www.aao.org/SearchResults.aspx?q=Strabismus&c=1