Hội chứng khô mắt là một bệnh lý đa yếu tố của bề mặt nhãn cầu. Đây là một trong những vấn đề về mắt phổ biến nhất ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Nguyên nhân gây khô mắt là do sự mất ổn định của phim nước mắt.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đào Ngọc Mai – Khoa Kết Giác Mạc – bệnh viện Mắt Hà Nội
Thông thường, phim nước mắt là một lớp ổn định, đồng nhất, bao gồm lớp lipid do các tuyến Meibomius chế tiết, lớp nước do tuyến lệ chế tiết và lớp nhầy do các tế bào đài chế tiết. Khi màng phim nước mắt trở nên lỏng lẻo, nó bị vỡ ra ở các vị trí khác nhau trên giác mạc và kết mạc. Điều này không chỉ dẫn đến các triệu chứng kích thích mà còn gây ra các bệnh lý trên bề mặt nhãn cầu.
Mặc dù có nhiều triệu chứng khác nhau mà bệnh nhân có thể gặp phải nhưng nổi bật trong số các triệu chứng này là tình trạng chảy nước mắt một cách tự nhiên, bệnh nhân có thể thắc mắc tại sao mắt của họ có thể bị “khô” mặc dù tiết nhiều nước mắt. Điều này là do màng nước mắt không ổn định và các triệu chứng do khô mắt sẽ kích thích não tạo ra phản xạ chảy nước mắt để giúp chống lại sự kích thích. Tuy nhiên, phản xạ tiết nước mắt này đơn giản là không đủ để khắc phục sự cố tổng thể. Vì lý do này, hội chứng khô mắt có thể được gọi một cách thích hợp hơn là “Rối loạn chức năng màng nước mắt”.
I. NGUYÊN NHÂN
Khô mắt có thể do các nguyên nhân sau:
- Giới tính: Nữ giới dễ bị khô mắt hơn do thay đổi hormone sau khi mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, và thời kỳ mãn kinh.
- Dị ứng
- Tuổi:Khô mắt là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, phần lớn người>65 tuổi sẽ có vài triệu chứng của khô mắt. Giảm hóc môn liên quan tới tuổi gây rối loạn điều hoà sản xuất các thành phần của màng phim nước mắt
- Bệnh nhãn giáp
- Viêm bờ mi
- Dùng các thuốc như: các thuốc tâm thần, thuốc kháng histamines, beta-blockers, thuốc giảm đau, thuốc ngủ, diuretics, các thuốc thay thế hóc môn, các thuốc tránh thai đường uống
- Hội chứng Sjogren’s
- Các bệnh tự miễn: Lupus và/hoặc Viêm khớp dạng thấp
- Tiếp xúc hóa chất
- Phẫu thuật mắt: Các phẫu thuật trên bề mắt kết mạc, giác mạc như phẫu thuật Lasik, phẫu thuật phaco … có thể là nguyên nhân làm khô mắt tiến triển.
- Giảm tần số chớp mắt (liên quan tới tiếp xúc máy tính, màn hình điện tử, và bệnh Parkinson)
- Môi trường sống ( bụi bẩn, gió, nóng, khô)
- Dùng kính tiếp xúc
- Bệnh lý thần kinh bao gồm: Đột quỵ, Liệt Bell, Parkinson, đau thần kinh sinh ba
- Hở mi, mắt nhắm không kín
- Viêm mắt
- Đái tháo đường
- Thiếu Vitamin A
II. TRIỆU CHỨNG
Những triệu chứng khô mắt thường gặp như:
- Khô, ngứa, chảy nước mắt
- Cộm, cảm giác dị vật trong mắt
- Ghèn rỉ
- Nháy mắt thường xuyên
- Đóng vảy lông mi (thường tồi tệ hơn khi thức dậy)
- Đỏ mắt
- Nhìn mờ từng lúc( thường nhìn mờ hơn khi đọc sách, xem tivi, ngồi máy tính, lái xe hoặc chơi điện tử)
- Nhạy cảm ánh sáng
- Đau mắt, đau đầu
- Cảm giác nặng mi mắt
- Mỏi mắt
III. CHẨN ĐOÁN KHÔ MẮT NHƯ THẾ NÀO?
Chẩn đoán khô mắt phải dựa vào khám mắt một cách toàn diện, cùng với các test xác định số lượng và chất lượng của màng phim nước mắt bao gồm:
- Khai thác bệnh sử của bệnh nhân về các triệu chứng khó chịu, các bệnh hệ thống, quá trình sử dụng thuốc trước đây đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt, và các yếu tố môi trường sống và làm việc cũng góp phần gây ra khô mắt.
- Khám bên ngoài nhãn cầu: Các bất thường khi mi mắt hoạt động (có lật mi ra ngoài, có hở mi khi nhắm mắt …) và tần số chớp mắt.
- Đánh giá tổn thương của mi mắt và kết giác mạc: Phải sử dụng sinh hiển vi với đèn khe và độ phóng đại lớn 10 hoặc 16 lần.
- Đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt: Cần được làm các test kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để xác định có khô mắt hay không và đưa ra lời khuyên cũng như phương pháp điều trị.
IV. ĐIỀU TRỊ
Các phương pháp để điều trị khô mắt gồm: bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mắt nhãn cầu, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.
- Bổ sung nước mắt nhân tạo: Các trường hợp khô mắt nhẹ có thể điều trị bằng cách tra nước mắt nhân tạo và có thể sử dụng thường xuyên được. Tốt nhất nên sử dụng các loại nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên những trường hợp khô mắt vừa và nặng việc sử dụng nước mắt nhân tạo thay thế là không đủ, cần có các phương pháp khác bổ sung.
- Duy trì phim nước mắt: Một phương pháp để làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt là giữ nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt. Vấn đề này có thể thực hiện bằng cách ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ bằng các cách như: Nút các điểm lệ bằng nút Silicon; Phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn.
- Làm tăng tiết nước mắt: Có thể sử dụng các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt do bác sĩ nhãn khoa kê đơn.
- Điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu: Cần sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sĩ nhãn khoa. Các phương pháp như chườm ấm, massage mi mắt, rửa sạch mi mắt sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt.
Tài liệu tham khảo
The epidemiology of dry eye disease: report of the Epidemiology Subcommittee of the International Dry Eye WorkShop (2007). Ocul Surf. 2007;5(2):93-107.
Krachmer. (2013). Cornea, 3rd Edition. Elsevier.
John F.Salmon. (2020) Kanski’s Clinical Ophthalmology: A systematic Approach, 9th Edition. Elsevier.
Nika Bagheri. (2017) The Wills Eye Manual: Office and Emergency Room Diagnosis and Treatment of Eye Disease. 7th Edition. Wolters Kluwer