SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

KERATOCONUS LÀ GÌ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi : Ths.BS Phạm Hồng Dương – Khoa Đơn Nguyên Khúc Xạ bệnh viện Mắt Hà Nội

Bệnh lý Keratoconus hay còn có tên gọi khác là bệnh giác mạc hình chóp là 1 kẻ thù thầm lặng nguy hiểm gây giảm thị lực không hồi phục ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây là bệnh lý giác mạc mà phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm (thường là ở phía dưới) của giác mạc bị phình ra và giãn mỏng. Người bị giác mạc hình chóp thường có thị lực giảm nhanh trong 1 thời gian ngắn, nên hay bị nhầm tưởng là mắc cận thị hoặc tăng số kính. Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh giác mạc hình chóp kịp thời sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn.

I. NGUYÊN NHÂN 

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Bệnh có yếu tố di truyền. tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có mối liên quan chặt chẽ giữa yếu tố môi trường gây vi chấn thương mắt như dụi mắt gây ra bệnh giác mạc chóp và làm cho bệnh phát triển nhanh. 

II. AI CẦN KHÁM ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH LÝ GIÁC MẠC CHÓP

Thông thường, trẻ có bố hoặc mẹ mắc giác mạc hình chóp thường phải chụp bản đồ giác mạc mỗi năm khi trẻ lên 10 tuổi. Cho dù kết quả xét nghiệm không có gì bất thường, vẫn cần cho trẻ kiểm tra hàng năm để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Các bạn tuổi thanh thiếu niên có tật khúc xạ kèm tăng số kính cũng nên được chụp bản đồ giác đồ giác mạc để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

III. NHỮNG DẤU HIỆU CHÍNH

– Thường xuất hiện ở lứa tuổi thiếu niên.
– Thị lực giảm nhanh trong 1 thời gian ngắn, thường ở một bên mắt nên hay nhầm tưởng bị tăng số kính.
– Có thể nhìn đôi (song thị) khi nhìn bằng MỘT MẮT
– Đi khám để chỉnh kính gọng nhưng thị lực không tăng sau khi chỉnh kính

Để xác định chẩn đoán, cần phải chụp bản đồ giác mạc để đánh giá tình trạng mặt trước và sau giác mạc, phát hiện các bất thường giác mạc ở giai đoạn sớm

IV. ĐIỀU TRỊ
– Kính gọng và kính áp tròng mềm: phù hợp cho giai đoạn đầu của bệnh, nhẹ.
– Kính áp tròng cứng (Kính củng mạc, kính giác mạc, hybrid contact lenses): phù hợp kiểm soát tiến triển giác mạc chóp và cải thiện thị lực ở những giai đoạn trung bình-nặng
– Cross Linking: Tăng cường tính bền vững cho nhu mô giác mạc bằng tia UV
– Cấy ICRS: dụng cụ thường có hình nhẫn, được cấy vào phần nhu mô giác mạc giúp khôi phục hình dạng giác mạc tại vị trí mỏng hóa và làm chậm quá trình tiến triển và cải thiện thị lực

– Ghép giác mạc: thường áp dụng cho bệnh nhân ở giai đoạn nặng, khi giác mạc đã tổn thương nhiều.

V. THEO DÕI

Bệnh nhân bị giác mạc chóp cần được theo dõi định kỳ từ 3-6 tháng/lần tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Bài viết liên quan