Bệnh glocom đặc trưng bởi sự chết dần của tế bào hạch võng mạc (khởi nguồn của thần kinh thị giác để dẫn tín hiệu hình ảnh từ mắt về não bộ) dưới ảnh hưởng của nhãn áp cao, dao động nhãn áp hoặc thiểu năng tuần hoàn do bệnh lý mạch máu. Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2/3 triệu chứng: tăng nhãn áp, tổn hại thần kinh thị giác, thu hẹp thị trường.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi : Ths.BS Trần Thị Tuyết Nhung – Trưởng Khoa Tổng Hợp bệnh viện Mắt Hà Nội.
Về bản chất, glocom là một dạng bệnh lý của thần kinh thị giác có hoặc không liên quan với tăng nhãn áp. Do vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân không đau nhức mắt do tăng nhãn áp những vẫn có bệnh glocom. Đây là một phần lý do khiến glocom trở thành kẻ cắp thị giác thầm lặng.
I. BỆNH GLOCOM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Glocom là bệnh lý tiến triển mạn tính, không hồi phục và hiện tại chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để làm chậm tiến triển của bệnh.
Trừ trường hợp biểu hiện cấp tính do nhãn áp tăng cao đột ngột, đa phần bệnh glocom diễn biến thầm lặng gây mất dần thị trường, thị lực. Từ đó ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Người làm các công việc cần trường quan sát tốt như lái xe, phi công nếu bị bệnh glocom sẽ rất nguy hiểm cho chính họ và những người liên quan.
Người lớn tuổi bị bệnh glocom dễ vấp ngã khi đi lại trong nhà, leo cầu thang,… dẫn tới tổn thương xương, khớp phải nằm/bất động lâu.
II. BỆNH GLOCOM CÓ PHỔ BIẾN KHÔNG?
Tỷ lệ bệnh glocom trong quần thể những người từ 40 – 80 tuổi là 3,54%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) glocom là 1 trong 3 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu bên cạnh đục thủy tinh thể và tật khúc xạ trên quy mô toàn cầu.
Ở Việt Nam, theo báo cáo điều tra phòng chống mù lòa năm 2007: trên tổng số 409.200 người mù 2 mắt (chiếm 1,3% dân số), glocom (6,5%) đứng thứ 3 sau đục thủy tinh thể (16,5%) và các bệnh lý võng mạc (16,5%).
Để chẩn đoán glocom, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt để được thăm khám toàn diện. Bệnh nhân sẽ trải qua một quy trình từ thử thị lực, đo nhãn áp, các thăm dò chức năng, đánh giá tổng thể nửa trước và nửa sau nhãn cầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện tổn thương thần kinh thị giác cũng như thu hẹp thị trường.
Tổn thương thị trường và thần kinh thị giác có thể gặp trong nhiều bệnh. Tuy nhiên trong glocom, tiến triển của hai loại tổn thương này rất âm thầm, người bệnh thường không tự nhận biết được cho đến khi đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng nhiều đến chức năng thị giác và chất lượng cuộc sống thì mới đi khám.
III. ĐIỀU TRỊ
Cách điều trị duy nhất cho tới thời điểm hiện tại là hạ nhãn áp. Có hai mức nhãn áp: không gây đau và an toàn.
Nhãn áp an toàn (nhãn áp đích) là mức áp lực trong nhãn cầu mà ở đó bệnh nhân không có cảm giác đau nhức đồng thời tiến triển của bệnh được kiểm soát tối đa; thị lực, thị trường được bảo tồn.
Thông thường, khi bắt đầu, bệnh nhân sẽ được điều trị để hạ nhãn áp về mức không gây đau. Tuy nhiên mức không gây đau chưa chắc đã là mức an toàn. Do vậy, bệnh nhân dễ chủ quan, bỏ theo dõi điều trị dẫn tới bệnh vẫn tiến triển gây tổn hại chất lượng thị giác trầm trọng.
Để bảo tồn chức năng thị giác, người bệnh glocom cần nhớ lịch dùng thuốc, lịch khám theo dõi theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ nhãn khoa.