SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ GLOCOM THẾ GIỚI NĂM 2022 “ĐÔI MẮT SÁNG – THẾ GIỚI ĐẸP TƯƠI”

Năm 2022, Hiệp hội Glocom thế giới (WGA) và cộng đồng quốc tế tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glocom thế giới” diễn ra từ 06/3 đến 12/3/2022 trên toàn thế giới với chủ đề “ ĐÔI MẮT SÁNG – THẾ GIỚI ĐẸP TƯƠI ” nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa.

Glaucoma ( hay còn gọi là glocom) là nguyên nhân thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) gây mù lòa cho người ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 80 triệu người mắc bệnh glocom trên thế giới, khoảng 50% người mắc bệnh không biết rằng họ mắc bệnh và con số này có thể cao hơn ở các nước đang phát triển. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sinh sống tại nông thôn và miền núi, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glocom thuộc về Châu Á). Điều này là do trong giai đoạn đầu, bệnh glocom không có triệu chứng. Nếu không được điều trị, bệnh glocom có thể tiến triển thành mù lòa.

Một vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glocom do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc điều này có thể dẫn đến mắt bị glocom nếu dùng trong thời gian dài. Theo thống kê BV Mắt TW năm 2009, bệnh nhân bị glocom góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh glocom khi nhập viện trong giai đoạn trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh glocom:

  • Những người trên 40 tuổi, tuổi càng cao, khả năng bị Glôcôm càng lớn
  • Người ruột thịt của bệnh nhân Glocom
  • Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân
  • Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp …người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu… là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn Glocom và người có nhãn áp cao trên 25 mmHg (đo bằng Maclakov).

Hưởng ứng tuần lề glocom thế giới năm nay từ ngày 06- 12/3/2022 với chủ đề “ ĐÔI MẮT SÁNG – THẾ GIỚI ĐẸP TƯƠI ” nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y Tế khuyến cáo nên hạn chế tụ tập nơi đông người vì vậy Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ không tổ chức lễ meeting để hưởng ứng tuần lễ, thay vào đó là các hoạt động truyền thông trên bảng điện tử, fanpage, website bệnh viện để nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh glocom và những nguy cơ của bệnh. Bệnh viện vẫn tiến hành đo nhãn áp cho tất cả bệnh nhân >35 tuổi đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội để phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh glocom.

 

Bài viết liên quan