SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ GLOCOM 2023(12-18/03/2023) – TẦM SOÁT VÀ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM

Năm 2023, Hiệp hội Glocom thế giới (WGA) và cộng đồng quốc tế tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glocom thế giới” diễn ra từ 12/03 đến 18/3/2023 trên toàn thế giới với chủ đề “ TẦM SOÁT VÀ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM ” nhằm động viên toàn xã hội tham gia vào các hoạt động chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa.

Glocom được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glocom là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40 – 80 tuổi (tính đến 2020). Dự báo số lượng bệnh nhân có thể tăng tới hơn 100 triệu người vào năm 2040. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân mắc Glocom trên toàn thế giới, châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh.

Theo các nghiên cứu dự báo số lượng bệnh nhân glocom sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh Glocom vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glocom thuộc về khu vực châu Á).

Một vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glocom do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc điều này có thể dẫn đến mắt bị glocom nếu dùng trong thời gian dài. Theo thống kê BV Mắt TW năm 2009, bệnh nhân bị glocom góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh glocom khi nhập viện trong giai đoạn trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.

I. NHÓM ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ CAO MẮC GLOCOM

Phần lớn người bệnh không biết mình nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nên thời điểm phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nặng. Người bệnh thường không cảm nhận được sự bất thường ở tầm nhìn, thị lực thường tốt cho đến giai đoạn cuối của bệnh lý. Glocom là bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và độ tuổi nào, tuy nhiên thường gặp nhất ở các nhóm đối tượng:

  • Người trên 40 tuổi
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh glocom: Glocom là một bệnh lý có yếu tố di truyền. Nếu bất kỳ ai trong gia đình cùng huyết thống, đặc biệt là ông bà, cha mẹ , anh chị em, con cái mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của người đó cao hơn 4–9 lần.
  • Người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch.
  • Người mắc tật khúc xạ như cận, viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh.
  • Người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài.
  • Người có tiền sử chấn thương ở mắt đục thủy tinh thể, viêm nhiễm ở mắt nặng và biến chứng sau phẫu thuật mắt.

II. TẦM SOÁT PHÁT HIỆN SỚM BỆNH GLOCOM

Người mắc bệnh Glocom thường rất khó để nhận biết những dấu hiệu của bệnh, nếu không được điều trị kịp thời, thị lực sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Người bệnh thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Cuối cùng, khi bệnh tiến triển trở nên nặng hơn, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn. Lúc này các phương pháp điều trị glocom đã không còn có khả năng giúp người bệnh giữ được thị lực của mình.

Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glocom kịp thời trong giai đoạn đầu là người bệnh, đặc biệt là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần chủ động trong việc tầm soát và thăm khám mắt định kỳ. Theo nguyên tắc chung, các chuyên gia khuyến nghị:

  • Người thuộc nhóm nguy cơ cao: thăm khám định kỳ 1 năm/lần.
  • Người ở độ tuổi trên 60: thăm khám định kỳ 1-2 năm/lần.
  • Người ở độ tuổi 40-60: thăm khám định kỳ 2-3 năm/lần.
  • Người ở độ tuổi dưới 40: thăm khám định kỳ 2-4 năm/lần.

Glocom không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công. Tùy từng dạng glocom mà người bệnh được chẩn đoán, sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp được chỉ định như điều trị bằng thuốc và sử dụng thủ thuật laser hoặc phẫu thuật cắt mống mắt chu biên, cắt bè củng mạc hoặc đặt thiết bị dẫn lưu.

Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới 2023, Bệnh viện mắt Hà Nội thực hiện kiểm tra nhãn áp miễn phí cho tất cả các bệnh nhân >35 tuổi đến thăm khám trong tuần lễ Glaucoma (12/3/2023-18/3/2023)

 

Bài viết liên quan