Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Đây là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị khiếm thị.
Ngày Thị giác Thế giới được tổ chức hàng năm vào thứ Năm thứ hai của tháng 10, nhằm tập trung sự chú ý của toàn cầu vào vấn đề mù lòa và suy giảm thị lực. Năm nay, Ngày Thị giác Thế giới sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng 10 năm 2022 với chủ đề: Hãy yêu quý đôi mắt của bạn #Love Your Eyes.
Có trên 1 tỷ người trên thế giới đang gặp phải tình trạng suy giảm thị lực. Suy giảm thị lực ảnh hưởng đến chúng ta ở mọi lứa tuổi, phần lớn thường gặp ở độ tuổi trên 50. Suy giảm thị lực và mù lòa có thể gây ra những ảnh hưởng lớn và lâu dài đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các hoạt động cá nhân hàng ngày, tương tác với cộng đồng, trường học và cơ hội làm việc và khả năng tiếp cận các dịch vụ công.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ dân số trên thế giới ngày càng tăng, thì giảm thị lực và mù từ những bệnh mạn tính cũng tăng. Hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hàng năm, trong đó ước khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm khoảng 80%. Đặc biệt cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm một trẻ bị mù, 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn. Việt Nam được xếp trong các nhóm nước này.
Nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực có thể kể đến là bệnh lý đục thủy tinh thể và tật khúc xạ không được điều chỉnh. Tuy nhiên, không thể bỏ qua các nguyên nhân khác như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh tăng nhãn áp, bệnh võng mạc tiểu đường, các bệnh truyền nhiễm ở mắt và chấn thương.
Hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị mù lòa, có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Tuy nhiên, nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác dẫn đến mù lòa, như đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường…có thể được phòng ngừa hoặc điều trị một cách dễ dàng và ít tốn kém. Điều quan trọng là người bệnh có được sự can thiệp đúng, sớm, để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp phục hồi tốt thị lực.
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15.000.000 em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Tuy nhiên, việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận ,viễn, loạn thị) lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù loà gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí….
“Ngày Thị giác thế giới” là ngày có một ý nghĩa rất lớn, giúp mỗi người dù ở mọi độ tuổi, không phân biệt nghề nghiệp, mọi vị trí trong xã hội, hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe thị giác, nhằm mục đích để nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về các vấn đề liên quan đến mù lòa và suy giảm thị lực, tầm quan trọng của mục tiêu thị giác 2022: “Love Your Eyes – Hãy yêu quý đôi mắt của bạn” và là vấn đề sức khỏe cộng đồng quốc tế, rất cần sự chung tay giúp sức từ mọi người trong xã hội.
Hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới năm 2022, phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Mắt Hà Nội đã tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh theo chuyên đề các bệnh về Mắt, hướng dẫn người bệnh cách duy trì và nâng cao sức khỏe cho đôi mắt, tư vấn các bệnh về mắt trên cổng thông tin điện tử: website; facebook của bệnh viện.