SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI NĂM 2023

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh Đái tháo đường trên thế giới có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới. Tại Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh.

Trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường(ĐTĐ). Con số này dự kiến sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045. Gần 1 trong 2 người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ vẫn chưa được chẩn đoán ( 44%). Cứ 5 giây lại có một người mắc ĐTĐ, cứ 10 giây lại có một người bị cắt cụt chi vì ĐTĐ. Cứ 4 người thì có hơn 3 người mắc ĐTĐ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình Số liệu gần đây nhất chỉ riêng năm 2021, Bệnh ĐTĐ đã gây ra 6.7 triệu ca tử vong và tiêu tốn ít nhất 966 tỷ đô chi phí y tế dành cho nó. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc khi cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Điều này dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Hàng năm, ngày 14/11 được Liên Hợp Quốc thống nhất lựa chọn là ngày Đái tháo đường thế giới – kỷ niệm ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân ĐTĐ vào năm 1922.

Chủ đề của Ngày Đái tháo đường thế giới 2021 – 2023 là Tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh đái tháo đường. Hàng triệu người mắc ĐTĐ trên khắp thế giới không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần. Bệnh nhân ĐTĐ cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng của bệnh.

Nếu bạn có nguy cơ hoặc đã mắc ĐTĐ, việc bạn cần làm là xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống hợp lí, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế hoặc ngay khi cảm thấy bất thường.

Bài viết liên quan