SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

HIỂU RÕ VỀ TÌNH TRẠNG VIÊM BỜ MI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Viêm bờ mi là một bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi. Đây là bệnh lý mạn tính, dù ít khi nguy hiểm nhưng lại gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân như ngứa, cộm xốn, cảm giác bỏng rát, khô mắt,… Hãy cùng bệnh viện Mắt Hà Nội tìm hiểu về viêm bờ mi để biết cách điều trị hiệu quả.

I. ĐỊNH NGHĨA

Viêm bờ mi là tình trạng mi mắt bị viêm, thường xảy ra khi các tuyến dầu nhỏ gần gốc lông mi bị tắc nghẽn hoặc do vi khuẩn (thường là tụ cầu) với những triệu chứng như: mi mắt nề đỏ, kích ứng và ngứa, thường xuất hiện vảy hình thành trên lông mi. Viêm bờ mi thường là một tình trạng mãn tính khó điều trị. Viêm bờ mi có thể gây khó chịu cho mắt nhưng thường không gây tổn thương đến thị lực và không lây.

II. TRIỆU CHỨNG

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bờ mi thường nặng hơn vào buổi sáng. Triệu chứng thường gặp là:

  • Chảy nước mắt
  • Mắt đỏ
  • Cảm giác có sạn, bỏng rát hoặc cay xè trong mắt
  • Mí mắt bị nhờn
  • Ngứa mí mắt
  • Mí mắt sưng đỏ
  • Bong da quanh mắt
  • Lông mi bị đóng vảy
  • Dính mí mắt
  • Nháy mắt thường xuyên hơn
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhìn mờ (thường cải thiện khi chớp mắt)

III. NGUYÊN NHÂN

Những yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng viêm bờ mi thường gặp như:

  • Viêm da tiết bã – da đầu
  • Sự nhiễm trùng bờ mi
  • Các tuyến dầu trên mí mắt của bạn bị tắc nghẽn hoặc tăng tiết dầu
  • Rosacea – một tình trạng da đặc trưng bởi mẩn đỏ trên khuôn mặt
  • Dị ứng, bao gồm phản ứng dị ứng với thuốc mắt, dung dịch kính áp tròng hoặc trang điểm mắt
  • Kí sinh trùng ( demodex)
  • Khô mắt

IV. NHỮNG BIẾN CHỨNG

Nếu bạn bị viêm bờ mi, bạn cũng có thể bị:
Các vấn đề về lông mi: Viêm bờ mi có thể khiến lông mi của bạn bị rụng, mọc bất thường (lông mi mọc lệch) hoặc mất màu.
Các vấn đề về da mí mắt: Sẹo có thể phát triển trên mí mắt của bạn do viêm bờ mi lâu dài.
Chảy nước mắt hoặc khô mắt: Các tiết tố viêm, vảy bám có thể tích tụ trong mắt gây nên tình trạng chảy nước mắt nhiều, khô mắt.
Lẹo: Lẹo là một bệnh nhiễm trùng phát triển gần gốc lông mi, kết quả là bạn sẽ bị xuất hiện một cục u đau ở rìa mí mắt. Lẹo thường xuất hiện nhiều nhất trên bề mặt mí mắt.
Chắp: Chắp xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở một trong những tuyến dầu nhỏ ở rìa mí mắt, ngay sau lông mi. Sự tắc nghẽn này gây ra tình trạng viêm lộ tuyến khiến mi mắt sưng và tấy đỏ, sau đó có thể khu trú thành cục cứng trên bề mặt mi mắt.
Đau mắt đỏ mãn tính: Viêm bờ mi có thể dẫn đến đau mắt đỏ mãn tính (viêm kết mạc).
Tổn thương giác mạc: Kích ứng liên tục do mí mắt bị viêm hoặc lông mi bị lệch hướng có thể gây ra vết loét trên giác mạc của bạn. Không có đủ nước mắt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc.

V. ĐIỀU TRỊ

Mức độ điều trị khác nhau dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân:
Các triệu chứng nhẹ đến trung bình: xử trí bằng chườm ấm, mát xa và vệ sinh mi mắt. Có thể nhỏ mắt nhân tạo bổ sung để điều trị tình trạng khô mắt do viêm bờ mi.
Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị triệu chứng được mô tả ở trên và có các triệu chứng nghiêm trọng: sử dụng liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống. Do khả năng xảy ra các tác dụng phụ toàn thân với thuốc uống, điều trị tại chỗ thường được thử trước. Thuốc mỡ kháng sinh (ví dụ, bacitracin, erythromycin..) được bôi trực tiếp lên bờ mi mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ. Khi các triệu chứng được cải thiện (thường từ 1 đến 2 tuần), có thể ngừng điều trị, nhưng nên tiếp tục các biện pháp vệ sinh mi mắt. Liệu pháp kháng sinh đường uống (ví dụ, doxycycline, tetracycline, azithromycin..) có thể được xem xét nếu đáp ứng với điều trị tại chỗ không tốt. Bệnh nhân có các triệu chứng nặng hoặc khó chữa nên được chuyển đến bác sĩ nhãn khoa. Tùy tình trạng bệnh nhân còn có thể được chỉ định glucocorticoid tại chỗ hoặc cyclosporin. Các tác nhân này chỉ nên được kê đơn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

VI. PHÒNG NGỪA

Viêm bờ mi có thể được phòng ngừa bằng cách:

  • Vệ sinh bờ mi tốt là cách điều trị chính cho tất cả các dạng viêm bờ mi. Mục đích là để giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
  • Người bệnh có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình thường có thể chỉ điều trị triệu chứng, bao gồm chườm ấm, mát xa bờ mi, vệ sinh mi mắt và nhỏ nước mắt nhân tạo.
  • Người bệnh có các triệu chứng nặng hoặc khó chữa có thể phải dùng kháng sinh tại chỗ hoặc uống
  • Tất cả người bệnh nên được khuyên loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh (ví dụ: chất gây dị ứng, hút thuốc lá, đeo kính áp tròng). Có thể tiếp tục đeo kính áp tròng nếu cảm thấy thoải mái nhưng nên thay mới kính. Việc điều trị viêm bờ mi do tiếp xúc (dị ứng) cần loại bỏ tác nhân dị ứng (ví dụ: mỹ phẩm). Người bệnh sử dụng mỹ phẩm nên cẩn thận tẩy trang vào ban đêm, làm sạch các dụng cụ bôi và tránh các sản phẩm cũ hoặc hết hạn sử dụng.
  • Viêm bờ mi liên quan đến sự xâm nhập của loài Demodex có thể được điều trị bằng Ivermectin uống (200 mg / kg với một liều duy nhất và lặp lại một lần trong 1 tuần).
  • Bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp nhất.

Bài viết liên quan