Nhược thị là bệnh mắt khá hay gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em. Tỉ lệ nhược thị hiện nay chiếm 2 – 5 % dân số. Ở nước ta, theo một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhược thị trong số trẻ em bị lác cơ năng có thể lên tới 50-60%, ở những bệnh nhân có tật khúc xạ là khoảng 30%.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi : TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh – Giám Đốc bệnh viện Mắt Hà Nội
I. NHƯỢC THỊ LÀ GÌ?
Nhược thị là tình trạng thị lực kém gây ra do bất bình thường của quá trình kích thích thị giác trong những năm đầu đời của trẻ, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của trung tâm thị giác ở vỏ não.
Nhược thị nếu được phát hiện sớm và điều tri kịp thời đa số các trường hợp đều có khả năng cải thiện được thị lực và chức năng thị giác. Ngược lại, nếu không được điều trị nhược thị sẽ gây ra giảm thị lực vĩnh viễn ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và sinh hoạt của bệnh nhân.
II. NGUYÊN NHÂN GÂY NHƯỢC THỊ
Nguyên nhân gây ra nhược thị rất nhiều.
Nhược thị do lác, nhất là lác 1 bên mắt; do tật khúc xạ, đặc biệt là do viễn thị và loạn thị cao, hoặc lệch khúc xạ giữa 2 mắt lớn; hoặc trẻ có các bệnh lý tại mắt như đục TTT, glaucoma, sẹo giác mạc…
III. KHI NÀO TRẺ ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN LÀ NHƯỢC THỊ
Trẻ được chẩn đoán là nhược thị khi thị lực sau khi chỉnh kính tốt đa không đạt được 20/30 ( tương đương < 8/10) và kèm theo có nguyên nhân gây ra nhược thị ( tật khúc xạ cao, lác…)
IV. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN NHƯỢC THỊ SỚM?
Với những trẻ có bệnh lý tại mắt thường được bố mẹ quan tâm và đưa đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa mắt thì có thể phát hiện được mắt bị nhược thị sớm hơn. Bệnh lý tại mắt hay gặp và dễ gây nhược thị mà bố mẹ có thể phát hiện được đó là khi trẻ bị lác, nhất là lác 1 bên mắt, hoặc khi trẻ nhìn mờ, đứng xa xem TV không rõ, đọc chữ trên bảng mờ… Khi trẻ có biểu hiện này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Với trẻ bị nhược thị do tật khúc xạ thì rất khó phát hiện, nhất là những trường hợp có một mắt bình thường, chỉ bị nhược thị một mắt, thậm chí có khi người lớn cũng không biết là mình bị 1 bên mắt nhìn kém do nhược thị. Rất nhiều học sinh phát hiện mắt bị nhược thị là do tình cờ che 1 bên mắt, thấy 1 mắt nhìn mờ mới biết.
Vì vậy, để kịp thời phát hiện sớm trẻ bị nhược thị, các phụ huynh cần chủ động đưa con đi kiểm tra mắt ít nhất 1 lần trước tuổi đi học, lúc trẻ 3-5 tuổi, ngay cả khi không có biểu hiện bất thường. Vì nếu phát hiện được bệnh ở tuổi càng nhỏ thì điều trị càng có hiệu quả, thị lực phục hồi càng nhanh và càng nhiều.
Khi đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt, trẻ sẽ được đo thị lực, kiểm tra tật khúc xạ, thử kính và khám mắt đầy đủ theo đúng quy trình, giúp chẩn đoán chính xác trẻ có bị nhược thị không, nhược thị một mắt hay 2 mắt, nguyên nhân gây ra nhược thị là gì, hướng điều trị ra sao…
V. ĐIỀU TRỊ NHƯỢC THỊ
Các phương pháp điều trị nhược thị hay dùng hiện nay bao gồm:
- Đeo kính: Nếu trẻ bị tật khúc xạ thì cần phải đeo kính đúng số, đây là điều quan trọng nhất, rất nhiều trẻ bị tật khúc xạ và bị nhược thị, nhưng không đi khám tại các cơ sở chuyên khoa, mà tự ra ngoài cắt kính không đúng số nên không những không điều trị được nhược thị, thị lực không cải thiện mà còn có hại cho mắt. Còn khi đeo kính đúng số một cách thường xuyên, nếu nhược thị nhẹ, sau một thời gian thì có thể hết nhược thị.
- Bịt mắt: Nếu trẻ bị nhược thị 1 bên thì cần bịt 1 bên (mắt tốt) 1 số giờ trong ngày hoặc bịt suốt cả ngày, nếu trẻ có tật khúc xạ thì cần phối hợp cả đeo kính cả bịt mắt, (chú ý bịt trực tiếp lên mắt sẽ hiệu quả hơn khi bịt lên kính). Khi bịt mắt tốt, trẻ chỉ sử dụng mắt kém, mắt này được sử dụng nhiều, được kích thích nhiều, thần kinh thị giác ở võ não sẽ được đánh thức hoạt động trở lại, dần dần thị lực sẽ tăng.
- Tập luyện mắt: Phải tích cực kích thích thị giác của mắt nhược thị bằng các hoạt động nhìn gần như đọc sách, vẽ, tô màu, chơi game, xem TV….Nếu trẻ bị nhược thị cả 2 mắt thì cùng lúc tập cả 2 mắt ( mà không bịt mắt), vì cả 2 mắt đều kém nên cần được kích thích cả 2.
- Gia phạt: phương pháp này ít dùng hơn, thường áp dụng trong các trường hợp như trẻ bé không chịu bịt mắt, hoặc trẻ lớn ngại bịt mắt.
Phương pháp này sử dụng thuốc Atropin 0,5% nhỏ vào mắt tốt, làm mất khả năng điều tiết của mắt này, làm cho mắt nhìn mờ. Phương pháp này có hiệu quả khi mắt tốt bị viễn thị và mắt kia nhược thị nhẹ - Một số phương pháp điều trị khác như : gia phạt bằng đeo kính quá số, đeo kính tiếp xúc… nhưng ít dùng.
VI. THỜI ĐIỂM NÀO ĐIỀU TRỊ NHƯỢC THỊ LÀ HIỆU QUẢ NHẤT
Nhược thị được điều trị càng sớm càng tốt, điều trị càng sớm thị lực phục hồi càng nhiều và càng nhanh. Ngược lại, nhược thị được điều trị càng muộn, khi trẻ càng lớn thì càng kém hiệu quả. Trước tuổi đi học (lớp 1) điều trị có hiệu quả cao nhất, sau 8 tuổi kết quả điều trị kém dần, trên 11-12 tuổi kết quả điều trị rất kém.
VII. KẾT LUẬN
Nhược thị là bệnh rất hay gặp ở trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác, cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Một lần nữa chúng tôi khuyên các phụ huynh nên đưa trẻ đi khám mắt ít nhất 1 lần trước tuổi đi học để phát hiện sớm nhược thị để điều trị kịp thời, giúp trẻ phục hồi được chức năng thị giác một cách tốt nhất.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi, nếu các bạn thấy các thông tin này bổ ích xin được chia sẻ với anh em, bạn bè người thân để nhiều người biết, đưa con đi khám trước khi quá muộn.
TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội