SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

BỆNH SỤP MI MẮT

Sụp mi là tình trạng mi trên bị sa xuống thấp hơn bình thường, có thể không gây mù lòa nhưng làm giảm chức năng thị giác (đặc biệt ở trẻ em) và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

I. NGUYÊN NHÂN

Phân loại sụp mi bẩm sinh hay mắc phải dựa vào tuổi xuất hiện bệnh. Hai loại trên có thể do các nguyên nhân:

  • Do thần kinh: liệt III, hội chứng Horner, hội chứng Marcus Gunn…
  • Do cơ: nhược cơ, sụp mi bẩm sinh…
  • Do yếu tố cơ học: khối u mi hoặc u hốc mắt, chắp, đeo kính tiếp xúc…
  • Do cân cơ: sụp mi tuổi già, tổn thương cân cơ do tuổi, chấn thương hoặc biến chứng sau phẫu thuật.
  • Do chấn thương: chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp đến cân cơ, sẹo mi co kéo, chấn thương mi hoặc vỡ trần hốc mắt có thể gây sụp mi.
Hình ảnh bệnh nhân trước và sau phẫu thuật sụp mi tại bệnh viện Mắt Hà Nội

II. TRIỆU CHỨNG

Sụp mi làm tầm nhìn của bệnh nhân bị hạn chế từ nhẹ đến nặng, có thể ở 1 hoặc 2 bên, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

  • Tuổi xuất hiện bệnh giúp xác định sụp mi bẩm sinh hay mắc phải
  • Các triệu chứng khác có thể có: song thị, lác ngoài, mức độ sụp mi thay đổi trong ngày, theo trạng thái cơ thể,…
  • Bệnh nhân có thể có tiền sử chấn thương, phẫu thuật mắt, đeo kính áp tròng,…
  • Khám lâm sàng xác định sụp mi khi bờ mi trên che phủ giác mạc trên 2mm, làm khe mi hẹp hơn bình thường.

III. ĐIỀU TRỊ

Điều trị sụp mi phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ sụp mi và chức năng cơ nâng mi. Sụp mi do cơ học cần lấy bỏ khối u, chích chắp, tháo kính áp tròng…Tuy nhiên, phẫu thuật sụp mi là điều trị chính. Ở trẻ em, nếu sụp mi độ 3, 4 khi bờ mi trên che qua diện đồng tử, cần can thiệp phẫu thuật sớm, để đề phòng nhược thị.

  • Phẫu thuật sụp mi: phẫu thuật cần thiết với sụp mi bẩm sinh, và tất cả các loại khác khi điều trị không phẫu thuật không hiệu quả: đánh giá bệnh nhân trước phẫu thuật và nguyên nhân gây sụp mi giúp xác định phương pháp phẫu thuật:
  • Phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi và cân cơ: khi chức năng cơ nâng mi tốt hoặc trung bình
  • Phẫu thuật treo mi cơ trán: khi sụp mi nặng với chức năng cơ nâng mi kém, đặc biệt ở trường hợp sụp mi bẩm sinh. Chất liệu treo mi có thể bằng silicon, cân cơ đùi tự thân, chỉ…
Hình ảnh bệnh nhân trước và sau phẫu thuật sụp mi tại bệnh viện Mắt Hà Nội

IV. SAU PHẪU THUẬT

Sau phẫu thuật sụp mi có thể gặp một số biến chứng:

Hở mi hoặc nhắm mắt không kín (thường tự hết sau mổ 2 – 3 tuần), bệnh giác mạc do tiếp xúc, sụp mi tái phát. Viêm loét giác mạc do hở mi sau mổ là biến chứng nặng, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Chăm sóc sau phẫu thuật sụp mi:

Bệnh nhân cần được thay băng, theo dõi và khám lại theo chỉ định của bác sĩ. Cần tra thuốc mỡ kháng sinh, nước mắt nhân tạo dạng gel và dạng nước thường xuyên sau mổ, đặc biệt khi ngủ và khi còn hở mi.

Nguồn: Khoa Tổng hợp – Bệnh viện Mắt Hà Nội

Bài viết liên quan