SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

BỆNH LÝ GLOCOM – CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Tăng nhãn áp glocom (thiên đầu thống) là bệnh thường gặp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn, có tác động rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKI Nguyễn Vinh Quang – Trưởng khoa Khám Bệnh bệnh viện Mắt Hà Nội.

I. GLOCOM LÀ GÌ?

Glaucoma (hay còn gọi là glocom) là một nhóm bệnh do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra nhưng trong giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng cho mọi hình thái, những dấu hiệu đó là:

– Nhãn áp tăng cao từ 25 mmHg trở lên.

– Thị trường thu hẹp.

– Soi đáy mắt có dấu hiệu lõm teo đĩa thị.

Glocom là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta cũng như trên thế giới. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn, tổn thương không hồi phục.

 

II. TRIỆU CHỨNG

1. Glocom góc đóng

– Đột nhiên đau nhức mắt nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên.

– Nhìn mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ.

– Buồn nôn, nôn mửa.

– Mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt.

2. Glocom góc mở

– Thỉnh thoảng có cơn đau tức mắt, nhức trên cung lông mày.

– Nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ.

– Người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị nội khoa : có nhiều loại thuốc dùng cho điều trị glocom như dùng đơn liều (1 loại thuốc), đa liều (nhiều loại thuốc).

2. Điều trị phẫu thuật : Mục đích tạo 1 lỗ rò đưa dịch ra ngoài.

 

IV. CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

1. Sau phẫu thuât: 

+ Tra thuốc mắt theo đơn chỉ định của bác sỹ.

+ Tránh dụi mắt, dè vào mắt, tránh bụi bẩn vào mắt.

2. Sau khi ra viện

– Tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không được tự ý mua thuốc để dùng.

– Khám định kỳ theo hẹn hoặc khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường ở mắt: nhìn mờ đột ngột, đau nhức…

V. PHÒNG BỆNH

– Phát hiện sớm glocom đối với những người có nguy cơ bị glocom để điều trị kịp thời. Phát hiện sớm bằng  việc khám mắt định kỳ là chìa khóa then chốt để việc chữa trị bệnh thành công  đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao như họ hàng ruột thịt của bệnh nhân glocom.

– Không sử dụng thuốc nhóm Corticosteroid, đặc biệt thuốc tra mắt.

– Kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Phải kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng thiếu máu do những bệnh này gây ra.

– Người bị đục thủy tinh thể cần theo dõi và phẫu thuật đúng thời điểm để tránh biến chứng gây tăng nhãn áp thứ phát.

– Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, suy nghĩ, lo lắng.

– Nếp sống điều độ: ngủ đủ giấc 6-8h mỗi ngày, không hút thuốc lá, không uống rượu bia và các chất kích thích.

Hi vọng với những chia sẻ dưới góc nhìn khoa học của Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ mang lại những thông tin hữu ích đến quý khách hàng để có những lựa chọn đúng đắn nhất trong thăm khám và điều trị. 

Quý khách hàng có thể đến khám tầm soát bệnh lý Glocom và nhận tư vấn trực tiếp bởi những chuyên gia Nhãn Khoa đầu ngành tại khoa Khám Bệnh Bệnh viện Mắt Hà Nội hoặc liên hệ qua Hotline 0848 95 8866 để nhận hỗ trợ.

 

 

Bài viết liên quan