SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI

KỶ NIỆM 178 NĂM NGÀY GÂY MÊ HỒI SỨC THẾ GIỚI (16/10/1846 – 16/10/2024)

Nếu ví mỗi cuộc phẫu thuật là một “màn trình diễn” của phẫu thuật viên thì bác sĩ gây mê là những người phía sau hậu trường hỗ trợ. Mỗi ca phẫu thuật thành công có sự đóng góp không nhỏ của các bác sĩ gây mê. Trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca mổ, đánh giá tình trạng người bệnh, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… Bởi vậy, bác sĩ gây mê hồi sức được gọi là những “bác sĩ thầm lặng”, họ âm thầm theo dõi người bệnh, làm việc tận tuỵ với trách nhiệm cao, góp phần không nhỏ vào thành công của ca mổ.

Ngày 16 tháng 10 năm 2024, thế giới y học kỷ niệm 178 năm ngày Gây mê Hồi sức – một dấu mốc quan trọng cho thấy sự phát triển và tiến bộ không ngừng của lĩnh vực này. Phương pháp gây mê đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành y học hiện đại, mang lại hy vọng và cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân. Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta cùng nhìn lại vai trò quan trọng của gây mê trong nhãn khoa, đặc biệt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, nơi các chuyên gia không ngừng nỗ lực để cải thiện chất lượng chăm sóc mắt cho cộng đồng.

1. Lịch sử gây mê

Sự kiện lịch sử ngày 16/10/1846, khi nha sĩ William T. G. Morton lần đầu tiên sử dụng thành công khí ether làm chất gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đánh dấu khởi đầu của lĩnh vực gây mê hồi sức. Từ đó, gây mê đã trở thành một phần không thể thiếu trong các quy trình phẫu thuật, giúp giảm thiểu đau đớn và cải thiện an toàn cho bệnh nhân.

2. Gây mê trong Nhãn khoa

Trong lĩnh vực nhãn khoa, gây mê đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Các phẫu thuật mắt, từ các ca tiểu phẫu như phẫu thuật đục thủy tinh thể đến các ca phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật Dịch kính võng mạc, thường yêu cầu độ chính xác cao và môi trường phẫu thuật an toàn. Gây mê giúp giảm đau và giữ cho bệnh nhân ổn định, từ đó giúp bác sĩ phẫu thuật thực hiện các thao tác với sự chính xác tối đa.

Có hai loại gây mê phổ biến trong nhãn khoa:

  • Gây mê toàn thân: Áp dụng cho các ca phẫu thuật phức tạp hoặc khi bệnh nhân không thể hợp tác do tuổi tác hoặc lý do sức khỏe. Bệnh nhân được đưa vào trạng thái ngủ sâu để không cảm nhận bất kỳ đau đớn nào.
  • Gây tê tại chỗ hoặc gây tê bằng đường ngoại vi: Được sử dụng phổ biến trong các phẫu thuật nhỏ và ngắn, như phẫu thuật đục thủy tinh thể, mộng, quặm mi.. Phương pháp này giúp duy trì tỉnh táo cho bệnh nhân trong khi khu vực mắt hoàn toàn không có cảm giác đau.

3. Vài nét về khoa Gây mê hồi sức – Bệnh viện Mắt Hà Nội

Khoa Gây mê hồi sức – Bệnh viện Mắt Hà Nội ra đời ngay từ ngày đầu thành lập Bệnh viện. Ngoài việc đáp ứng công tác Gây mê hồi sức cho phẫu thuật, công tác hồi sức, giảm đau sau mổ, khoa Gây mê hồi sức còn phối hợp tích cực cùng các khoa lâm sàng trong thực hiện các thủ thuật gây mê, giảm đau trong toàn bệnh viện.

Những năm gần đây, khoa Gây mê hồi sức luôn tăng cường đẩy mạnh phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường công tác gây mê hồi sức trong thực hiện phẫu thuật các ca mổ khó, phức tạp. Công tác gây mê hồi sức ngày càng phát triển với việc thực hiện tăng cường số lượng phẫu thuật hàng năm cũng như tăng cường gây mê hồi sức cho bệnh nhân nhi khoa với độ tuổi nhỏ dần đồng thời tăng cường gây mê hồi sức các người bệnh già yếu nhiều bệnh kèm theo.

Hệ thống phòng phẫu thuật, các trang thiết bị, dụng cụ liên tục được khử khuẩn, tiệt trùng theo quy trình chuẩn do Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Mắt Hà Nội phối hợp. Trước khi phẫu thuật, người bệnh được khám sàng lọc, người bệnh và người nhà người bệnh đều được hướng dẫn chi tiết về quá trình gây mê. Trong quá trình mổ, bác sĩ gây mê thực hiện việc theo dõi sát sao nhịp tim, huyết áp, bão hòa oxy, nhịp thở… điều chỉnh máy móc, phương tiện hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong suốt ca phẫu thuật. Khi ca phẫu thuật kết thúc, các Bác sĩ phẫu thuật đã hoàn thành xong công tác phẫu thuật, các Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ tiếp tục công tác hồi sức sau mổ và giảm đau cho người bệnh, đảm bảo an toàn cho tới khi đủ điều kiện chuyển lại bệnh phòng.

Nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 178 năm ngày Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Mắt Hà Nội kính chúc các bác sĩ, kỹ thuật viên và các nhân viên làm công tác gây mê hồi sức nhiều sức khoẻ và tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu của mình trong quy trình điều trị phẫu thuật cho người bệnh.

Đỗ Phương CTXH

 

Bài viết liên quan