Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra mù lòa ở các nước phát triển và dần trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Bệnh võng mạc tiểu đường là một bệnh lý ở mắt có thể gây giảm thị lực và mù lòa ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nó ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu trong võng mạc (lớp màng thần kinh nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt của bạn).
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi : Ths.BS Nguyễn Thị Quỳnh – Trưởng Khoa Đáy Mắt bệnh viện Mắt Hà Nội.
I. BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là một bệnh lý do tình trạng rối loạn của các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh đái tháo đường. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi từ 30- 64 ở các nước phát triển và bệnh lý này cũng đang trở nên phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam.
Tỷ lệ mắc bệnh VMĐTĐ gia tăng theo thời gian bị bệnh đái tháo đường. Khoảng 60% bệnh nhân có thời gian mắc bệnh đái tháo đường từ 10 năm trở lên sẽ bị tổn thương mạch máu trong mắt và 7-10%trong số này sẽ có nguy cơ mù lòa.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh VMĐTĐ, bao gồm:
- Chỉ số đường huyết không được kiểm soát,
- Tăng huyết áp,
- Thời gian bị bệnh đái tháo đường,
- Chỉ số mỡ trong máu (cholesterol và triglyceride),
- Mang thai.
Bệnh võng mạc tiểu đường là một bệnh lý ở mắt có thể gây giảm thị lực và mù lòa ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nó ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu trong võng mạc (lớp màng thần kinh nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt của bạn).
Bệnh võng mạc đái tháo đường
II. NGUYÊN NHÂN
Bệnh đái tháo đường gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, bổ sung làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.
Võng mạc là bộ phận cảm thụ ánh sáng, trong đó hoàng điểm là trung tâm của võng mạc, ảnh hưởng đến 90% thị lực bệnh nhân. Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường trên võng mạc làm cho võng mạc bị tổn thương nặng, ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng thị giác.
III. TRIỆU CHỨNG
Giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số người nhận thấy nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt tuy nhiên chỉ thoáng qua trong một thời gian ngắn.
Trong giai đoạn sau của bệnh, các mạch máu của võng mạc vỡ ra và màu từ lòng mạch chảy vào buồng dịch kính . Khi điều này xảy ra, bạn có thể thấy các đốm hoặc vệt sẫm màu, nổi trông giống như mạng nhện. Trong một số trường hợp những triệu chứng này tự biến mất – nhưng cần phát hiện và điều trị sớm. Nếu không điều trị, tình trạng chảy máu có thể xảy ra trở lại, trở nên tồi tệ hơn hoặc gây ra tăng sinh xơ co kéo trong buồng dịch kính hay co kéo trong bong võng mạc.
Một số triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường
IV. TIẾN TRIỂN
Bệnh lý võng mạc khởi phát:
Bệnh lý võng mạc khởi phát là giai đoạn sớm của bệnh VMĐTĐ và sẽ tiến triển chậm qua nhiều năm. Ở giai đoạn này, các đốm xuất huyết nhỏ có mỡ lắng đọng sẽ xuất hiện trên võng mạc.
Phần lớn bệnh nhân sẽ không bị mất thị lực, nhưng thị lực sẽ giảm dần mà bệnh nhân không nhận biết được. Ở một số bệnh nhân, các mạch máu bị rò rỉ ở vùng hoàng điểm – là bộ phận nằm ở trung tâm võng mạc có chức năng cho thị lực trung tâm – gây mất thị lực.
Bệnh lý võng mạc tăng sinh:
Bệnh lý võng mạc tăng sinh phát triển từ bệnh lý võng mạc khởi phát, đây là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tỷ lệ mù 2 mắt sau 5 năm là 50% Những mạch máu mới sẽ hình thành (tăng sinh) trên bề mặt võng mạc và thần kinh thị giác. Các mạch máu này có xu hướng dễ vỡ và chảy máu vào buồng dịch kính. Các màng xơ dịch kính võng mạc cũng có thể hình thành từ mạch máu bị vỡ gây ra tình trạng co kéo làm bong võng mạc dẫn đến mất thị lực. Các mạch máu mới cũng có thể hình thành ở mống mắt gây ra tình trạng tăng nhãn áp và tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa.
Khi tình trạng xuất huyết xảy ra ở giai đoạn bệnh lý võng mạc tăng sinh, bệnh nhân có cảm giác như nhìn qua sương mù, ruồi bay hay mất thị lực hoàn toàn. Mặc dù không có triệu chứng đau nhức, nhưng đây là giai đoạn bệnh lý VMĐTĐ nghiêm trọng nên bệnh nhân cần phải điều trị ngay.
V. ĐIỀU TRỊ
Ít nhất 90% trường hợp bệnh giai đoạn đầu có thể thuyên giảm nếu được điều trị và theo dõi mắt đúng cách. Do vậy, việc khám mắt hàng năm sàng lọc bệnh cần được thực hiện với tất cả người bệnh đái tháo đường.
Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ chỉ theo dõi tình trạng mắt của bạn. Một số người bị bệnh võng mạc tiểu đường có thể cần khám mắt sau giãn đồng tử thường xuyên từ 2 đến 4 tháng một lần.
Cần đồng thời điều trị tích cực bệnh đái tháo đường và các tình trạng bệnh khác có ảnh hưởng xấu đến bệnh võng mạc đái tháo đường như tăng huyết áp, tăng lipid máu, hút thuốc, uống rượu, ít vận động, ngủ ngáy,…
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường có 3 phương pháp chính: laser, tiêm nội nhãn và phẫu thuật. Việc áp dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp các phương pháp trên tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều trị sớm, tích cực có thể làm dừng hoặc hạn chế giảm thị lực mắt bị bệnh nhưng không thể làm khỏi bệnh.
Laser quang đông là dùng laser tạo ra những điểm bỏng nhỏ trên võng mạc, làm giảm nhu cầu sử dụng ô-xy, ưu tiên cho vùng hoàng điểm quan trọng hơn. Với nhiều kiểu laser khác nhau, áp dụng tùy tình trạng mắt bệnh, có thể làm giảm phù hoàng điểm hoặc hạn chế tân mạch võng mạc nhưng làm tổn thương vĩnh viễn 1 phần võng chu biên
Tiêm thuốc vào nhãn cầu với corticosteroid (như triamcinolon, dexamethason) và gần đây là các chất ức chế yếu tố phát triển nội mạc mạch máu (anti-vaso endothelial growth factor/VEGF) như Lucentis, Avastin, Aflibercept có tác dụng rất tốt với phù hoàng điểm và tân mạch võng mạc, an toàn nhưng giá thuốc còn đắt đỏ. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế đã chi trả cho người bệnh có thẻ BHYT.
Bệnh viện Mắt Hà Nội tự hào là 1 trong 2 bệnh viện chuyên khoa mắt duy nhất tại Hà Nội áp dụng chế độ thông tuyến BHYT trong điều trị nội trú, phẫu thuật giúp bệnh nhân được hưởng quyền lợi bảo hiểm cao nhất.
Tiêm thuốc vào nhãn cầu trong điều trị VMĐTĐ
Phẫu thuật được chỉ định trong một số tình trạng bệnh như xuất huyết dịch kính, màng tăng sinh co kéo võng mạc,… nhằm loại bỏ máu và màng xơ trong buồng dịch kính, trên võng mạc phục hồi thị lực cho mắt bệnh, hạn chế biến chứng.
Một số thuốc tiêm VEGF sử dụng trong điều trị VMĐTĐ
VI. PHÒNG NGỪA
Việc điều trị bệnh lý VMĐTĐ thành công sẽ phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị sớm. Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình qua chế độ ăn và sử dụng thuốc để trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát triển bệnh lý VMĐTĐ và các biến chứng khác. Bệnh nhân cũng cần thực hiện việc khám mắt định kì hằng năm.
Bệnh viện Mắt Hà Nội tự hào là bệnh viện chuyên khoa Mắt đầu ngành với đội ngũ bác sĩ với chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng với các kỹ thuật chẩn đoán và trang thiết bị điều trị hiện đại đã thực hiện khám phát hiện và điều trị hiệu quả cho hàng ngàn bệnh nhân không may bị bệnh võng mạc đái tháo đường.